Tạm Nhập Tái Xuất Là Gì? Các Quy Định Về Tạm Nhập Tái Xuất

Gia Đình Xuất Nhập Khẩu Tác giả Gia Đình Xuất Nhập Khẩu 19/07/2024 44 phút đọc

Hiện nay, tạm nhập tái xuất đang rất phổ biến ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, là nhu cầu tất yếu trong hoạt động chính trị, thương mại của mỗi quốc gia, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tạm nhập tái xuất và các quy định của hình thức này.

1. Tạm Nhập Tái Xuất Là Gì?

Theo Điều 29 Luật Thương mại 2005 về tạm nhập, tái xuất hàng hoá được quy định cụ thể như sau:

“- Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.”

Theo cách hiểu đơn giản:

- Tạm nhập là quá trình cho phép hàng hoá nước ngoài đi qua lãnh thổ một quốc gia khác trong một khoảng thời gian nhất định trước khi xuất khẩu sang thị trường của quốc gia thứ ba.

- Tái xuất là giai đoạn tiếp theo sau quá trình tạm nhập. Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam được xuất khẩu sang một quốc gia khác. Về mặt cơ bản, hàng hoá này đã trải qua quá trình xuất khẩu hai lần, do đó được gọi là tái xuất.

Ví dụ về hàng tạm nhập tái xuất:

“ Công ty Việt Nam có đối tác là công ty bên Nhật Bản với sản phẩm là robot. Sắp tới tháng 6/2024 công ty Việt Nam tham gia hội chợ triển lãm tại Việt Nam, nên sẽ đưa các máy móc, robot từ bên Nhật Bản về để tham dự triển lãm. Vì thế sẽ xuất hiện hình thức tạm nhập tái xuất. Sau khi kết thúc triển lãm, sẽ tái xuất các máy móc robot về lại bên đối tác Nhật Bản.”

tam-nhap-tai-xuat

2. Đặc điểm của tạm nhập tái xuất

  • Hàng hóa của hình thức tạm nhập tái xuất được các doanh nghiệp nhập khẩu về nhưng không tiêu thụ tại thị trường trong nước mà sẽ xuất qua một nước thứ ba nhằm mục đích thu lợi nhuận.
  • Mục đích của các doanh nghiệp sử dụng hình thức kinh doanh này là để thu về lợi nhuận là lượng ngoại tệ lớn hơn số vốn ban đầu.
  • Hàng hóa trong quá trình tạm nhập tái xuất sẽ không được gia công, chế biến tại nơi tạm nhập, tái xuất.
  • Hàng hóa tạm nhập tái xuất phần lớn được hưởng ưu đãi thuế quan.
  • Thời gian lưu trú tại Việt Nam của hàng tạm nhập tái xuất không quá 60 ngày kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục tạm nhập.
  • Hàng hóa của hình thức này sẽ chịu sự giám sát của hải quan Việt Nam kể từ khi tạm nhập tới khi xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.
  • Hàng tạm nhập tái xuất thường có cung cầu lớn và biến động liên tục.

3. Phân biệt tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu

  • Tạm nhập tái xuất là việc thương nhân Việt Nam mua hàng hóa của một nước, nhưng hàng hóa nhập khẩu đó không để lưu thông tại thị trường Việt Nam mà sau một thời gian ngắn sẽ xuất khẩu sang một nước khác nhằm mục đích sinh lời. Hàng tạm nhập tái xuất phải làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.
  • Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.
  • Chuyển khẩu là hình thức thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam và bán sang một nước, vùng lãnh thổ khác mà không cần làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và thủ tục xuất khẩu hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.
  • Chuyển khẩu được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu và nước xuất khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước và sau hợp đồng bán hàng.

4. Quy trình thủ tục tạm nhập tái xuất

Bước 1: Xác định đúng, chính xác nhu cầu tạm nhập tạm xuất của doanh nghiệp để chọn đúng loại hình và chuẩn bị các chứng từ phù hợp.

Một số nhu cầu thường sử dụng loại hình tạm nhập tái xuất bao gồm:

  • Hàng mượn từ nước ngoài để trưng bày, giới thiệu sản phẩm (cần có hợp đồng thuê mướn, trong thời gian bao lâu..)
  • Hàng được mượn để đi triển lãm, hội chợ,... sẽ cần tái xuất khỏi Việt Nam (cần có giấy mời, hợp đồng thuê mượn,.. tùy trường hợp)
  • Hàng có xuất xứ Việt Nam cần tái nhập để bảo hành cho khách. 
  • Hàng đem qua nước ngoài để lấy mẫu phân tích, test, kiểm tra chắc chắn cần tái nhập trở lại để biết tình trạng.

Bước 2: Chuẩn bị các chứng từ, bộ hồ sơ liên quan đến hàng tạm nhập tái xuất

  • Hợp đồng thuê mướn, bảo hành, hợp đồng mua bán…
  • Commercial Invoice được cung cấp từ công ty người gửi. 
  • Tờ khai trị giá hàng hóa: có thể là 100% giá trị với hàng đi triển lãm, hoặc chỉ còn 20 - 30% do khấu hao sử dụng.
  • Packing List
  • Công văn xin tạm xuất – tái nhập
  • Tờ khai hải quan nhập khẩu (tạm nhập).

Bước 3: Làm thủ tục hải quan thông quan cho hàng tạm nhập cũng giống như hàng nhập khẩu thông thường.

Bước 4. Kiểm tra theo dõi quá trình thông quan hàng tạm nhập, theo dõi thời hạn hiệu lực hàng hóa, nếu sắp hết hạn nhưng hàng hóa chưa sẵn sàng tái xuất thì cần gia hạn thêm.

Bước 5: Theo dõi nếu hàng đã hoàn thành xong việc, sẵn sàng tái xuất. Cần kiểm tra tình trạng hàng có đúng thông tin theo hợp đồng tạm nhập ban đầu. Book lịch tàu bay, làm thủ tục tái xuất cho hàng hóa.
 

quy-trinh-tam-nhap-tai-xuat

Quy trình tạm nhập tái xuất
>>>Tham khảo thêm: thủ tục hải quan hàng tạm nhập tái xuất hàng quá cảnh 

5. Quy định về tạm nhập tái xuất

5.1 Các văn bản quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Theo Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất.

  •  Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau:

+ Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Hàng hóa kinh doanh có điều kiện bao gồm:

* Nhóm hàng thực phẩm đông lạnh: Thịt và phụ phẩm sau khi được giết mổ; Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác; Sản phẩm gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác …

* Nhóm hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt: Bia sản xuất từ malt; Rượu vang làm từ nho tươi; Rượu Vermouth và rượu vang khác; Xì gà … 

* Nhóm hàng hóa đã qua sử dụng: Lốp bằng cao su loại bơm hơi đã qua sử dụng hoặc đắp lại; lốp đặc hoặc nửa đặc; Bơm không khí hoặc bơm chân không, máy nén không khí hay chất khí khác và quạt; Tủ kết đông lạnh liên hợp; Máy giặt gia đình hoặc trong hiệu giặt; ….

+ Hàng hóa cấm hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

  • Thương nhân Việt Nam được thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan với những hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
  • Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.


5.2 Các trường hợp tạm nhập tái xuất

Theo điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định có 5 hình thức tạm nhập tái xuất hàng hóa như sau:

+ Tạm nhập tái xuất dựa theo hình thức kinh doanh: 

+ Tạm nhập tái xuất dựa theo hợp đồng bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn: Trừ những trường hợp bị cấm hoặc tạm ngừng xuất nhập khẩu thì thương nhân Việt Nam được phép ký kết hợp đồng để bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn với xuất thương nhân nước ngoài. Sau khi thực hiện xong mục đích trong khoảng thời gian nhất định hàng hóa sẽ được tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

+ Tạm nhập tái xuất nhằm mục đích bảo hành, tái chế theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài: Thương nhân tạm nhập hàng hóa mà mình đã xuất khẩu để bảo hành, tái chế theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ tái xuất trả lại thương nhân nước ngoài.

+ Tạm nhập tái xuất hàng hóa để nhằm mục đích trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.

+ Tạm nhập tái xuất sản phẩm với hình thức nhân đạo và mục đích khác: bao gồm tạm nhập các máy móc, trang thiết bị y tế, dụng cụ y tế từ các tổ chức nước ngoài để khám chữa bệnh tại Việt Nam vì mục đích nhân đạo. Tạm nhập tái xuất dụng cụ thi đấu, tập luyện, dụng cụ biểu diễn của đoàn thi đấu, đoàn biểu diễn, đoàn thi đấu.

5.3 Các hàng hóa bị cấm tạm nhập tái xuất

Một số loại mặt hàng có nguy cơ gây hại tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, lan truyền dịch bệnh, hoặc hàng hóa có nguy cơ gian lận thương mại… sẽ được bộ công thương đưa vào danh sách cấm tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và được công bố danh sách rộng rãi.

Các hàng hóa bị cấm tạm nhập tái xuất bao gồm:

  • Hàng hóa là chất thải nguy hại, phế liệu, phế thải, mẩu vụn của plastic.
  • Hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
  • Hàng hóa là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng có nguy cơ gian lận thương mại.
  • Hàng hóa có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

5.4 Bảng mã loại hình tạm nhập tái xuất

Bạn cần tra cứu mã loại hình tạm nhập tái xuất một cách cẩn thận để điền vào tờ khai hải quan. Tránh khai mã nhầm lẫn dẫn đến hủy hoặc truyền sửa tờ khai hải quan.

Căn cứ vào 2 yếu tố để xác định được mã loại hình tạm nhập tái xuất:

  • Mục đích tạm nhập, tái xuất hàng hóa. 
  • Loại hình doanh nghiệp, tra cứu thuế thu nhập cá nhân đã nộp

Dưới đây là bảng mô tả các loại mã loại hình  tạm nhập tái xuất, khi khai hải quan trên phần mềm điện tử, bạn hãy lựa chọn mã loại hình đúng đắn.

Bảng mã loại hình tạm nhập tái xuất:

TT 

Mã LH 

Tên 

Hướng dẫn sử dụng 

Khai kết hợp 

Ghi chú 

1 

G11 

Tạm nhập hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất 

Sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất 

  

  

2 

G12 

Tạm nhập máy móc, thiết bị phục vụ dự án có thời hạn 

Sử dụng trong trường hợp: 

- Doanh nghiệp thuê mượn máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, khuôn mẫu từ nước ngoài hoặc từ các khu phi thuế quan đưa vào Việt Nam để sản xuất, thi công công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm; 

- Tạm nhập tái xuất để bảo hành, sửa chữa; 

- Tạm nhập tàu biển, máy bay nước ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng tại Việt Nam. 

  

  

3 

G13 

Tạm nhập miễn thuế 

Sử dụng trong trường hợp: 

- Nhập khẩu máy móc thiết bị do bên thuê gia công cung cấp phục vụ hợp đồng gia công; máy móc từ hợp đồng khác chuyển sang; 

- Tạm nhập hàng hóa miễn thuế gồm: hàng  tham dự hội trợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm;  máy móc dụng cụ nghề nghiệp phục vụ hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn văn nghệ, khám chữa bệnh. 

  

  

4 

G14 

Tạm nhập khác 

Sử dụng trong các trường hợp tạm nhập kệ, giá, thùng, lọ … theo phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng. 

  

  

5 

G21 

Tái xuất hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất 

Sử dụng trong trường hợp khi tái xuất hàng kinh doanh TNTX đã tạm nhập theo mã G11 (bao gồm hoán đổi xăng dầu tái xuất). 

X 

Lưu ý: Doanh nghiệp tự xác định và khai thời hạn lưu giữ tại Việt Nam trên tờ khai hải quan. Trường hợp gia hạn phải thực hiện sửa đổi, bổ sung thông tin quản lý hàng TNTX 

6 

G22 

Tái xuất máy móc, thiết bị phục vụ dự án có thời hạn 

Sử dụng trong trường hợp hàng hóa là máy móc, thiết bị đã tạm nhập theo mã G12, khi hết thời hạn thuê, kết thúc  dự án phải tái xuất. 

  

X 

Lưu ý: Doanh nghiệp tự xác định và khai thời hạn lưu giữ tại Việt Nam trên tờ khai hải quan. 

Trường hợp gia hạn phải thực hiện sửa đổi, bổ sung thông tin quản lý hàng TNTX 

7 

G23 

Tái xuất miễn thuế hàng tạm nhập 

Sử dụng trong trường hợp tái xuất hàng hóa đã tạm nhập sử dụng mã G13. 

X 

  

8 

G24 

Tái xuất khác 

Sử dụng trong các trường hợp tái xuất nhập kệ, giá, thùng, lọ … theo phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng đã tạm nhập theo mã G14. 

X 

  

6. Ưu nhược điểm của tạm nhập tái xuất.

Ưu điểm của tạm nhập tái xuất:

  • Tăng thu lợi nhuận cho thương nhân, đa dạng hóa nền ngoại thương.
  • Tạm nhập tái xuất phát triển kéo theo sự phát triển của các dịch vụ liên quan như kho bãi, bốc dỡ hàng hóa, vận tải đường biển, đường bộ, đường hàng không, bảo hiểm,...
  • Biến lợi thế về vị trí địa lý thành cơ hội kinh doanh, đem lại lợi nhuận cho đất nước, trở thành cầu nối cho dòng luân chuyển hàng hóa quốc tế.
  • Thúc đẩy giao lưu thương mại với các quốc gia trên thế giới, tạo lợi thế để nâng cao kinh nghiệm thị trường, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam với nền kinh tế thế giới.

Nhược điểm của tạm nhập tái xuất:

  • Tạm nhập tái xuất gây ra những rủi ro tiềm ẩn về hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu, rủi ro về gian lận thương mại gây khó khăn cho công tác quản lý của Hải quan. Nhiều đối tượng sử dụng hình thức tạm nhập nhưng không tái xuất hàng quá cảnh, chuyển khẩu để tuồn hàng vào tiêu thụ nội địa.
  •  Thương nhân có thể sẽ gặp các vấn đề rủi ro về giá cả do hợp đồng bán có thể phát sinh trước hợp đồng mua.
  • Các rủi ro về khai báo giá trị hàng hóa không đúng, xử lý những hàng tạm nhập nhưng không thể tái xuất được,...

7. Thực trạng tạm nhập tái xuất tại Việt Nam

Hình thức tạm nhập tái xuất đang được rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng vì những ưu điểm của nó mang lại. Tạm nhập tái xuất là một tập quán thương mại quốc tế sẽ tiếp tục tồn tại và phát sinh phục vụ nhu cầu của những nước có vị trí thuận lợi giao thương quốc tế như Việt Nam, giáp với thị trường lớn như Trung Quốc.

Tuy nhiên hiện nay chính sách quản lý, giám sát tạm nhập tái xuất của các bộ ban ngành như bộ Công thương, tổng cục hải quan Việt Nam còn chưa chặt chẽ , tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, buôn lậu, hàng tạm nhập tái xuất còn tồn đọng tại các cảng biển chưa được xử lý.  

Nhiều hàng hóa lâm nghiệp, thủy hải sản thuộc danh mục cấm nhập khẩu nhưng vẫn được tạm nhập lậu để tuồn vào tiêu thụ thị trường trong nước.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Nếu cần kéo dài thời hạn thêm thì thương nhân phải có văn bản đề nghị cơ quan Hải quan để gia hạn. Thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất. Nếu quá thời hạn trên, hàng hóa bắt buộc phải tái xuất ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy.

>>> Xem thêm: Học nghiệp vụ khai báo hải quan ở đâu tốt 

Trên đây là những thông tin chi tiết về tạm nhập tái xuất và các quy định, quy trình liên quan. Hy vọng Gia đình xuất nhập khẩu đã mang tới những thông tin hữu ích cho công việc của bạn.


 

Gia Đình Xuất Nhập Khẩu
Tác giả Gia Đình Xuất Nhập Khẩu giadinhxuatnhapkhau
Bài viết trước Dịch Vụ Kho Bãi (Kho Ngoại Quan, Kho Chứa Hàng)

Dịch Vụ Kho Bãi (Kho Ngoại Quan, Kho Chứa Hàng)

Bài viết tiếp theo

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Xin Việc Ngành Xuất Nhập Khẩu?

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Xin Việc Ngành Xuất Nhập Khẩu?
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo