Nội Dung Cơ Bản Của Bảo Hiểm Xuất Nhập Khẩu

Gia Đình XNK Tác giả Gia Đình XNK 26/02/2024 25 phút đọc

Khi mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần biết về những nội dung cơ bản của bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ đó doanh nghiệp xác định gói bảo hiểm cần mua phù hợp với lô hàng. Vậy khi mua bảo hiểm doanh nghiệp cần chú ý những nội dung gì?

>>>>>>Xem thêm: Một số lưu ý và tính bất hợp lệ của chứng từ bảo hiểm

1. Hợp đồng bảo hiểm xuất nhập khẩu là gì?

Trong xuất nhập khẩu, những lô hàng vận chuyển đường biển thường gặp nhiều rủi ro, vì vậy khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển cần mua bảo hiểm hàng hóa.

Bảo hiểm hàng hóa đường biển hay còn gọi là bảo hiểm hàng hải là một loại bảo hiểm thuộc bảo hiểm phi nhân thọ nhằm hỗ trợ bảo vệ cho những rủi ro trên biển hoặc những rủi ro trên bộ, trên sông liên quan đến quá trình vận chuyển bằng tàu thuyền trên biển, gây ảnh hưởng đến các đối tượng chuyên chở do đó gây nên tổn thất về hàng hóa.

Đây là sản phẩm bảo hiểm tài sản được nhiều doanh nghiệp tham gia vì những lợi ích thiết thực mà nó mang lại.

Chúng ta cũng biết rằng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) phải vượt qua biên giới của một hay nhiều quốc gia, người xuất khẩu và nhập khẩu lại ở xa và thường không trực tiếp áp tải được hàng hóa trong quá trình vận chuyển do đó phải tham gia bảo hiểm cho hàng hóa. Ở đây, vai trò của bảo hiểm là người bạn đồng hành với người được bảo hiểm.

Bên cạnh đó vận tải đường biển thường gặp nhiều rủi ro tổn thất đối với hàng hóa do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây nên như: Mắc cạn, đâm va, đắm chìm, cháy nổ, mất cắp, cướp biển, bão, lốc, sóng thần… vượt quá sự kiểm soát của con người.Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu lại được vận chuyển bằng đường biển đặc biệt ở những nước quần đảo như Anh, Singapore, Nhật, Hongkong… do đó phải tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo hợp đồng vận tải người chuyên chở chỉ chịu trách nhiệm về tổn thất của hàng hóa trong một phạm vi và giới hạn nhất định. Trên vận đơn đường biển, rất nhiều rủi ro các hãng tàu loại trừ không chịu trách nhiệm, ngay cả các công ước quốc tế cũng quy định mức miễn trách nhiệm rất nhiều cho người chuyên chở. Vì vậy các nhà kinh doanh phải tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.

Như vậy, việc tham gia bảo hiểm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển là rất quan trọng và ngày càng khẳng định vai trò của nó trong thương mại quốc tế

2. Nguyên tắc của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển quốc tế

– Về quyền lợi có thể bảo hiểm Người có quyền lợi có thể được bảo hiểm là người có quyền lợi đối với đối tượng bảo hiểm trong hành trình đường biển.

Theo Luật bảo hiểm hàng hải Anh 1906 (MIA 1906), sẽ là một vi phạm nếu người nào thực hiện một hợp đồng bảo hiểm mà không có quyền lợi có thể bảo hiểm trên đối tượng bảo hiểm hoặc không dự kiến hợp lý để tiếp nhận quyền lợi ấy. Theo Luật kinh doanh bảo hiểm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyền lợi có thể được bảo hiểm là yếu tố để xác lập và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Quyền lợi của doanh nghiệp đó là được bảo hiểm khi hàng hóa được đặt vào tình thế phải chịu hiểm họa hàng hải và doanh nghiệp được bảo hiểm phải có quan hệ pháp lý với hàng hóa thì khi đó doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nếu hàng hóa đó được bảo toàn hay về đến bến đúng hạn và bị thiệt hại khi hàng hóa đó bị tổn thất, hay bị cầm giữ hoặc phát sinh trách nhiệm.

– Về tính Trung thực tuyệt đối: Người có quyền lợi trong một hành trình đường biển khi có bằng chứng chứng minh là có liên quan đến hành trình này hoặc bất kỳ đối tượng có thể bảo hiểm nào gặp rủi ro trong hành trình mà hậu quả là người đó thu được lợi nhuận khi đối tượng bảo hiểm đến cảng an toàn hoặc không thu được lợi nhuận khi đối tượng bảo hiểm bị tổn thất, hư hỏng, bị lưu giữ hoặc phát sinh trách nhiệm.

– Vấn đề bồi thường: Người được bảo hiểm phải có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất và có thể không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Khi đối tượng bảo hiểm được bảo hiểm theo điều kiện có tổn thất hoặc không có tổn thất thì người được bảo hiểm vẫn có thể được bồi thường mặc dù sau khi tổn thất xảy ra mới có quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp người được bảo hiểm biết tổn thất đã xảy ra, còn người bảo hiểm không biết việc đó.

Trường hợp người được bảo hiểm không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất thì không thể có được quyền đó bằng bất kỳ hành động hay sự lựa chọn nào sau khi người được bảo hiểm biết tổn thất đã xảy ra.

– Trường hợp người mua hàng đã mua bảo hiểm cho hàng hóa thì có quyền lợi bảo hiểm mặc dù có thể đã từ chối nhận hàng hoặc đã xử lý hàng hóa đó như đối với hàng hóa thuộc rủi ro của người bán hàng do giao hàng chậm hoặc vì những lý do khác.

– Một phần quyền lợi của tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác là quyền lợi có thể được bảo hiểm

3. Các loại rủi ro và tổn thất trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển

Rủi ro trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển.

Rủi ro trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển là những tai nạn, tai hoạ, sự cố xảy ra một cách bất ngờ ngẫu nhiên hoặc những mối đe doạ nguy hại, khi xảy ra sẽ gây lên tổn thất cho đối tượng được bảo hiểm. Ví dụ như : tàu đắm, hàng mất, hàng bị đổ vỡ, hư hỏng… Rủi ro trong xuất nhập khẩu hàng hoá vận chuyển bằng đường biển có nhiều loại, căn cứ vào nguồn gốc phát sinh có thể phân rủi ro thành những loại sau:

Thiên tai: Thiên tai là những hiện tượng tự nhiên mà con người không thể chi phối được như : biển động, bão, gió lốc, sét đánh, thời tiết xấu, sóng thần…

Tai hoạ ở biển: là những tai hoạ xảy ra đối với con tàu ở ngoài biển như : tàu bị mắc cạn, đâm va, đắm chìm, cháy nổ, tàu bị lật úp, mất tích… những rủi ro này được gọi là những rủi ro chính.

Các tai nạn bất ngờ khác: là những thiệt hại do các tác động ngẫu nhiên bên ngoài, không thuộc những tai hoạ của biển nói trên. Tai nạn bất ngờ khác có thể xảy ra trên biển những nguyên nhân không phải là một tai hoạ của biển, có thể xảy ra trên bộ, trên không trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ hàng hoá, giao nhận, lưu kho, bảo quản hàng như : hàng hoá bị vỡ, lát, hấp hơi, thiếu hụt, mất trộm, mất cắp, không giao hàng… những rủi ro này được gọi là những rủi ro phụ.

Rủi ro do bản chất hoặc do tính chất đặc biệt của đối tượng bảo hiểm hoặc những thiệt hại mà nguyên nhân trực tiếp là chậm chễ.

Theo nghiệp vụ bảo hiểm thì những rủi ro của hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển có thể được chia thành các loại sau đây:

Rủi ro thông thường được bảo hiểm: là những rủi ro được bảo hiểm một cách bình thường theo các điều kiện bảo hiểm gốc. Đây là những rủi ro mang tính bất ngờ ngẫu nhiên xảy ra ngoài ý muốn của người được bảo hiểm như: thiên tai, tai hoạ của biển, tai nạn bất ngờ khác tức là bao gồm cả rủi ro chính và rủi ro phụ.

Rủi ro bảo hiểm riêng: là những rủi ro mà muốn được bảo hiểm thì phải thoả thuận riêng, thoả thuận thêm chứ không được bồi thường theo các điều kiện bảo hiểm gốc. Loại rủi ro này gồm : rủi ro chiến tranh, đình công, khủng bố được bảo hiểm theo điều kiện riêng.

Rủi ro không được bảo hiểm: là những rủi ro không được người bảo hiểm nhận bảo hiểm hoặc không được người bảo hiểm bồi thường trong mọi trường hợp. Đó là các rủi ro đương nhiên xảy ra, chắc chắn xảy ra hoặc các thiệt hại do nội tỳ, bản chất của hàng hoá, do lỗi của người được bảo hiểm, thiệt hại mà nguyên nhân trực tiếp là chậm trễ, rủi ro có tính chất thảm hoạ mà con người không lường trước được, quy mô, mức độ và hậu quả của nó.

Kết luận, các rủi ro được bảo hiểm phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất. Việc phân nguyên nhân trực tiếp hay nguyên nhân gián tiếp có vai trò rất quan trọng để xác định rủi ro gây ra tổn thất có phải là rủi ro được bảo hiểm hay không. Những tổn thất nào có nguyên nhân trực tiếp là rủi ro được bảo hiểm gây ra mới được bồi thường.

4. Tổn thất trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển

Tổn thất trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu là những hư hỏng, thiệt hại của hàng hoá được bảo hiểm do rủi ro gây ra.

Căn cứ vào quy mô, mức độ tổn thất có hai loại tổn thất là tổn thất bộ phận và tổn thất toàn bộ:
Tổn thất bộ phận: là tổn thất mà một phần của đối tượng được bảo hiểm theo một hợp đồng bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại. Tổn thất bộ phận có thể là tổn thất về số lượng, trọng lượng, thể tích hoặc giá trị.

Tổn thất toàn bộ: là toàn bộ đối tượng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng, thiệt hại hoặc bị biến chất, biến dạng không còn như lúc mới bảo hiểm nữa. Một tổn thất toàn bộ có thể là tổn thất toàn bộ thực tế hay tổn thất toàn bộ ước tính:

Tổn thất toàn bộ thực tế là toàn bộ đối tượng bảo hiểm bị mất mát, hư hỏng hay bị phá huỷ toàn bộ, không lấy lại được như lúc mới bảo hiểm nữa. Trong trường hợp này, người bảo hiểm phải bồi thường toàn bộ giá trị bảo hiểm hoặc số tiền bảo hiểm.

Tổn thất toàn bộ ước tính tức là thiệt hại, mất mát của đối tượng bảo hiểm chưa tới mức tổn thất toàn bộ những đối tượng bảo hiểm bị từ bỏ một cách hợp lý vì tổn thất toàn bộ thực tế xét ra là không thể tránh khỏi hoặc những chi phí đề phòng, phục hồi tổn thất lớn hơn giá trị của hàng hoá được bảo hiểm.

Khi đối tượng là hàng hoá bị từ bỏ, sở hữu về hàng hoá sẽ chuyển sang người bảo hiểm và người bảo hiểm có quyền định đoạt về hàng hoá đó. Khi đó, người được bảo hiểm có quyền khiếu nại đòi bồi thường tổn thất toàn bộ.

Căn cứ vào tính chất tổn thất và trách nhiệm bảo hiểm thì tổn thất được chia làm hai loại là tổn thất chung và tổn thất riêng:

Tổn thất chung là những hy sinh hay chi phí đặc biệt được tiến hành một cách cố ý và hợp lý nhằm mục đích cứu tàu và hàng hoá chở trên tàu thoát khỏi một sự nguy hiểm chung, thực sự đối với chúng. Khi xảy ra tổn thất chung chủ hàng và người bảo hiểm phải điền vào Bản cam đoan, Giấy cam đoan đóng góp vào tổn thất chung. Bản cam đoan, Giấy cam đoan này được xuất trình cho chủ hàng hoặc thuyền trưởng khi nhận hàng. Nội dung nói chung khi xảy ra tổn thất chung người được bảo hiểm phải báo cho công ty bảo hiểm biết để công ty hướng dẫn làm thủ tục không tự ý ký vào Bản cam đoan.

Tổn thất riêng: là tổn thất chỉ gây ra thiệt hại cho một hay một số quyền lợi của các chủ hàng và chủ tàu trên một con tàu. Như vậy, tổn thất riêng chỉ liên quan đến từng quyền lợi riêng biệt.
Trong tổn thất riêng, ngoài thiệt hại vật chất còn phát sinh các chi phí liên quan nhằm hạn chế những thiệt hại khi tổn thất xảy ra, gọi là tổn thất chi phí riêng.

Tổn thất chi phí riêng là những chi phí bảo quản hàng hoá để giảm bớt thiệt hại hoặc để khỏi hư hại thêm, bao gồm chi phí xếp, dỡ, gửi hàng, đóng gói lại, thay thế bao bì… ở bến khởi hành và dọc đường.

Chi phí tổn thất riêng làm hạn chế và giảm bớt tổn thất riêng, tổn thất riêng có thể là tổn thất bộ phận hoặc là tổn thất toàn bộ.

Tổn thất riêng có được người bảo hiểm bồi thường hay không phụ thuộc vào rủi ro có được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hay không chứ không như tổn thất chung.

5. Những lưu ý khi mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu

Các bước mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu như sau:

+ Gửi yêu cầu bảo hiểm: Nếu bạn có nhu cầu mua bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu hãy chọn một doanh nghiệp bảo hiểm uy tín. Tại đây, công ty bảo hiểm sẽ cung cấp cho bạn giấy yêu cầu bảo hiểm.

+ Điền các thông tin cần thiết: Để có thể sử dụng bảo hiểm xuất nhập khẩu cho hàng hóa, bạn cần điền đầy đủ thông tin trên giấy yêu cầu bảo hiểm; trừ các phần kê của công ty môi giới bảo hiểm.

+ Gửi bản sao giấy yêu cầu cho công ty bảo hiểm

+ Công ty bảo hiểm gửi hợp đồng bảo hiểm

+ Xem xét các điều kiện hợp đồng, ký, đóng dấu, trả phí thu dịch vụ cho công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

+ Xem xét kỹ những điều khoản được quy định trên hợp đồng.

+ Xem xét chi phí thanh toán cho doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm

+ Lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp nhất với hàng hóa mà doanh nghiệp xuất – nhập khẩu.

+ Nắm và hiểu rõ những trường hợp không được thanh toán bảo hiểm.Ví dụ như: Xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển không áp dụng bảo hiểm đối với: than, dầu, thực phẩm đông lạnh,…

Mong rằng bài chia sẻ về Bảo Hiểm Xuất Nhập Khẩu đã hữu ích với bạn, bạn có thể tham khảo một vài bài viết chia sẻ về nghề xuất nhập khẩu, Logistics và các nghiệp vụ xuất nhập khẩu của chúng tôi.

Bài viết xem nhiều:

Học xuất nhập khẩu ở đâu tốt tại Hà Nội & TPHCM

Ủy Thác Nhập Khẩu Là Gì? Mẫu Hợp Đồng Ủy Thác Nhập Khẩu

Surrender Bill Là Gì? Surrender Bill Có Tác Dụng Gì?

Gia Đình XNK
Tác giả Gia Đình XNK sudo
Bài viết trước Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13

Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13

Bài viết tiếp theo

Tạm Nhập Tái Xuất Là Gì? Các Quy Định Về Tạm Nhập Tái Xuất

Tạm Nhập Tái Xuất Là Gì? Các Quy Định Về Tạm Nhập Tái Xuất
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo