C/O Form D Là Gì? Tìm Hiểu Về Chứng Nhận Xuất Xứ ASEAN

Gia Đình Xuất Nhập Khẩu Tác giả Gia Đình Xuất Nhập Khẩu 08/10/2024 21 phút đọc

C/O Form D là gì? Tại sao C/O Form D lại là một trong những chứng từ quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu khẩu hàng hóa đến các quốc gia thành viên của ASEAN. Nội dung của C/O Form D, các giấy tờ cần chuẩn bị để xin cấp, những trường hợp bị cơ quan quản lý từ chối cấp C/O Form D là gì? Hãy cùng Gia đình xuất nhập khẩu cùng tìm hiểu về chứng nhận xuất xứ ASEAN này.

CO-Form-D-la-gi
 

1. C/O Form D là gì?

C/O Form D là chứng nhận xuất xứ của hàng hóa trong khu vực ASEAN, áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên trong ASEAN.

C/O Form D được cấp để chứng nhận rằng hàng hóa có xuất xứ từ một quốc gia thành viên ASEAN và hàng hóa đó sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN khác, theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). Nhờ C/O Form D, doanh nghiệp có thể giảm thuế nhập khẩu, giúp hàng hóa tăng sức cạnh tranh hơn trên thị trường khu vực.

Khi hàng hóa có C/O Form D, mức thuế nhập khẩu có thể được giảm xuống 0% hoặc mức thuế rất thấp so với thuế suất MFN (Most Favored Nation – thuế tối huệ quốc).

Ví dụ: Công ty Việt Nam sản xuất sản phẩm “nước sốt tiêu đen vị bò” . 
Công ty xuất khẩu sản phẩm này đi Thái Lan thì sẽ tiến hành làm C/O Form D vì Thái Lan thuộc ASEAN, là thành viên hiệp định ATIGA. Xác định mã HS của mặt hàng này là 2103.90.29, đối chiếu với biểu thuế ưu đãi đặc biệt ATIGA thì mặt hàng này được hưởng thuế suất 0%. Khi đó công ty của Việt Nam làm C/O Form D để đối tác Thái Lan được hưởng ưu đãi về thuế.

Các quy định chung về CO bạn có thể tham khảo qua các văn bản pháp luật sau:

  • 31/2018/NĐ-CP Nghị định Quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

  • 05/2018/TT-BCT Thông tư Quy định về xuất xứ hàng hóa.

  • 62/2019/TT-BTC Quy định về xuất định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

  • 39/2018/TT-BCT Thông tư Quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

>> Xem thêm: GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA - Certificate of Origin(C/O)

2. Nội dung trên C/O Form D

Trên C/O Form D bao gồm 13 mục thông tin như sau:

Mục 1: Goods consigned from - Thông tin công ty xuất khẩu: Bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại và fax của doanh nghiệp xuất khẩu.

Mục 2: Goods consigned to - Thông tin công ty nhập khẩu: Gồm tên, địa chỉ, mã số thuế, số điện thoại và fax (nếu có) của doanh nghiệp nhập khẩu.

Mục 3: Means of transport and route - Phương thức vận chuyển và tuyến đường: Cung cấp thông tin chi tiết về cách thức vận chuyển hàng hóa và tuyến đường cụ thể.

Mục 4: For official use trong C/O form D - Phần dành cho cơ quan cấp C/O: Phần này sẽ được cơ quan cấp C/O hoàn thành, không cần người xin C/O điền.

Mục 5: Item number - Danh mục hàng hóa: Liệt kê danh sách hàng hóa cần xin C/O.

Mục 6: Marks and number on packages - Số và ký hiệu trên kiện hàng: Thông tin về số lượng và ký hiệu các kiện hàng.

Mục 7: Descriptions of Goods - Mô tả hàng hóa và mã HS: Bao gồm tên hàng và mã HS của từng mặt hàng.

Mục 8: Origin criterion - Tiêu chí xuất xứ: Đây là mục rất quan trọng để xác định tỷ lệ giá trị hàng hóa được sản xuất tại một quốc gia nào đó. Các tiêu chí xuất xứ phổ biến:

- WO (Wholly Owned): Hàng hóa có xuất xứ thuần túy, toàn bộ quá trình sản xuất diễn ra tại một quốc gia trong hiệp định ATIGA mà không sử dụng nguyên liệu từ bên ngoài.

- PE (Produced Entirely): Sản phẩm được gia công tại nước khác nhưng 100% nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước trong hiệp định ATIGA.

- LVC (Local Value Content): Hàm lượng giá trị nội địa của hàng hóa, thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm. Tỷ lệ giá trị nội địa của sản phẩm trong tổng giá trị sản phẩm phải đạt tối thiểu 40%.

Mục 9: Gross weight or other quantity trong C/O form D - Tổng trọng lượng hoặc số lượng hàng hóa.

Mục 10: Number and date of invoices - Số và ngày của hóa đơn thương mại:

Mục 11: Declaration by the exporter - Xác nhận của công ty xuất khẩu: Đại diện công ty xuất khẩu ký xác nhận.

Mục 12: Certification - Xác nhận của cơ quan cấp ℅

Mục 13: Others trong C/O form D - Loại C/O: Tích vào ô tương ứng

mau-co-form-d
 

3. Điều kiện để hàng hóa được cấp C/O Form D

Để được cấp C/O Form D và hưởng các ưu đãi thuế quan trong khu vực ASEAN, hàng hóa phải đáp ứng một số điều kiện về nguồn gốc, sản xuất và thủ tục hồ sơ như sau:

- Hàm lượng xuất xứ tối thiểu  

+ C/O Form D chỉ được cấp cho hàng hóa có xuất xứ từ một trong các nước thành viên ASEAN. Và hàng hóa phải chứa tối thiểu 40% thành phần có xuất xứ từ một nước trong khối ASEAN, hay tỷ lệ hàm lượng nội địa tối thiểu là 40%.

+ Tỷ lệ này được tính toán dựa trên giá trị nguyên liệu, chi phí sản xuất hoặc các yếu tố liên quan khác của quốc gia thành viên ASEAN.

- Sản phẩm phù hợp với danh mục hàng hóa được hưởng ưu đãi

Hàng hóa cần thuộc danh mục được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định ATIGA (ASEAN Trade in Goods Agreement). Mỗi quốc gia thành viên ASEAN có thể có các mặt hàng cụ thể được ưu đãi, và chỉ những mặt hàng nằm trong danh mục này mới đủ điều kiện để xin cấp C/O Form D.

- Sản phẩm không nằm trong danh mục hạn chế hoặc cấm xuất khẩu

- Hàng hóa phải được vận chuyển trực tiếp từ một quốc gia thành viên ASEAN đến một quốc gia ASEAN khác để đảm bảo đủ điều kiện cấp C/O Form D.

Trong trường hợp hàng hóa cần quá cảnh qua một hoặc nhiều quốc gia trung gian bên ngoài ASEAN, cần đảm bảo rằng hàng hóa không bị mua bán, tiêu thụ, hoặc can thiệp trong quá trình quá cảnh tại các quốc gia đó. Ngoài các hoạt động cần thiết như dỡ hàng hoặc xếp hàng lại, hàng hóa không được trải qua bất kỳ xử lý nào khác có thể ảnh hưởng đến tình trạng của sản phẩm.

>> Tham gia Khóa Học Chứng Nhận Xuất Xứ Hàng Hóa (C/O) Chuyên Sâu để có thêm kiến thức và kinh nghiệm về CO 

4. Chứng từ cần thiết để xin cấp C/O Form D

Để xin cấp C/O Form D, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:

  • Bản sao vận đơn đường biển (Bill of Lading): Phải sao y bản chính, đặc biệt khi xuất hàng đi Đông Nam Á, thường sử dụng Surrendered Bill of Lading. Bộ Công Thương yêu cầu bản sao y từ bản chính của Surrender BL, không chấp nhận bản nháp (Draft BL). Nhiều trường hợp nhầm lẫn dùng nháp đã khiến doanh nghiệp phải bổ sung giấy tờ, gây chậm trễ.

  • Bản gốc hóa đơn thương mại (Commercial Invoice): Chứng từ xác nhận giá trị giao dịch giữa người bán và người mua.

  • Bản gốc phiếu đóng gói (Packing List): Liệt kê chi tiết hàng hóa trong lô hàng.

  • Bản sao tờ khai hải quan đã thông quan: Xác nhận lô hàng đã được hải quan phê duyệt thông quan.

  • Bản sao giải trình quy trình sản xuất: Trình bày chi tiết quy trình sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào.

  • Bản sao bảng định mức nguyên vật liệu: Liệt kê tỷ lệ phần trăm nguyên liệu A, B,... trong sản phẩm xuất khẩu.

  • Bản sao hóa đơn mua bán nguyên vật liệu trong nước hoặc tờ khai hải quan nhập khẩu: Dùng để chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

  • Bản sao và bản gốc hóa đơn mua bán sản phẩm xuất khẩu: Dành cho các doanh nghiệp thương mại không trực tiếp sản xuất nhưng mua hàng để xuất khẩu.

  • Đơn đề nghị cấp C/O Form D: Do Bộ Công Thương cung cấp, theo quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

  • Ngoài ra, doanh nghiệp có thể cần bổ sung các giấy tờ như giấy phép xuất khẩu, hợp đồng mua bán, công văn cam kết, và các tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa. Tùy thuộc vào loại hàng xuất khẩu, cán bộ sẽ hướng dẫn cụ thể các giấy tờ bổ sung cần thiết.

>> Xem thêm: CO CQ Là Gì Trong Xuất Nhập Khẩu? Cách Kiểm Tra CO CQ Hợp Lệ

5. Quy trình xin cấp C/O Form D

Quy trình xin cấp C/O Form D trải qua các bước sau:

Bước 1: Đăng ký hồ sơ thương nhân (điều 13, Nghị định 31/2018)

Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên xin C/O phải đăng ký:

+ Đăng ký mẫu chữ ký
+ Sao y giấy đăng ký kinh doanh
+ Mẫu 2 – Danh mục cơ sở sản xuất
+ Khai báo (1)(2)(3) qua Ecosys.gov.vn

Bước 2: Chuẩn bị Bộ hồ sơ xin cấp C/O (điều 15, Nghị định 31/2018/NĐ-CP)

+ Đơn xin cấp C/O
+ Form C/O
+ Tờ khai xuất khẩu đã thông quan
+ Invoice, Packing list
+ Bill
+ Bảng kê (theo tiêu chí xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu) (quan trọng)
+ Quy trình sản xuất
+ Các chứng từ khác

Bước 3: Thực hiện khai báo C/O (điều 16, Nghị định 31/2018)

+ Khai báo trên trang Ecosys.gov.vn
+ Đính kèm chứng từ
+ In form C/O
+ Đi nộp C/O ở Bộ Công Thương

>> Xem nhiều: CO Form E Là Gì? Những Thông Tin Cần Biết Về C/O Form E

6. Những trường hợp bị từ chối cấp C/O Form D

Dưới đây là một số trường hợp cơ quan quản lý có thể từ chối cấp C/O Form D:

Hồ sơ đề nghị cấp C/O form D không chính xác và không đầy đủ: Thiếu các chứng từ hoặc thông tin không đúng có thể dẫn đến việc bị từ chối.

Nội dung hồ sơ không đồng nhất: Các thông tin trên các giấy tờ trong bộ hồ sơ không khớp với nhau sẽ bị cơ quan quản lý từ chối xử lý.

Không tuân thủ các yêu cầu về thời gian: Nếu doanh nghiệp không nộp đơn xin cấp C/O Form D trong thời hạn cho phép (thường là không quá 12 tháng sau khi xuất khẩu), yêu cầu cấp C/O có thể bị từ chối.

Nộp hồ sơ tại địa điểm sai: Bộ hồ sơ xin cấp C/O Form D không được nộp đúng tại cơ quan có thẩm quyền đã đăng ký, gây ra sự không hợp lệ.

C/O Form D bị viết tay hoặc tẩy xóa: Chứng từ có chữ viết tay, bị tẩy xóa, hoặc in bằng nhiều loại mực khác nhau sẽ bị xem là không hợp lệ.

Hàng hóa thuộc danh mục hạn chế: Nếu hàng hóa nằm trong danh mục cấm hoặc hạn chế xuất khẩu theo quy định của quốc gia xuất khẩu hoặc nhập khẩu, cơ quan quản lý sẽ không cấp C/O Form D.

Hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ: Nếu không xác định được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa theo quy định hoặc không đạt tiêu chí xuất xứ, đơn xin cấp C/O form D sẽ bị từ chối.

Thông tin sai lệch về lô hàng: Nếu doanh nghiệp khai báo thông tin không đúng về hàng hóa như số lượng, mô tả hàng hóa, hoặc trị giá FOB, cơ quan cấp C/O có thể từ chối cấp chứng nhận.

Những lỗi này thường dẫn đến việc trì hoãn hoặc từ chối cấp C/O Form D, vì vậy doanh nghiệp cần chú ý đảm bảo hồ sơ chính xác và tuân thủ đầy đủ các quy định về xuất xứ.

>> Xem nhiều: Nên học xuất nhập khẩu ở đâu

C/O Form D là chứng nhận xuất xứ quan trọng trong khối ASEAN, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu được hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định ATIGA.

Hiểu rõ và tuân thủ các quy định liên quan đến việc xin cấp C/O Form D không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí vận chuyển mà còn đảm bảo hàng hóa lưu thông nhanh chóng trong khu vực.

Hy vọng Gia đình xuất nhập khẩu đã giúp bạn có những kiến thức đầy đủ và hữu ích nhất về C/O Form D để phục vụ cho công việc của bạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy để lại bình luận để cùng chúng tôi giải đáp.

Gia Đình Xuất Nhập Khẩu
Tác giả Gia Đình Xuất Nhập Khẩu giadinhxuatnhapkhau
Bài viết trước 3PL (Third-party Logistics) Là Gì? Vai Trò Trong Chuỗi Cung Ứng

3PL (Third-party Logistics) Là Gì? Vai Trò Trong Chuỗi Cung Ứng

Bài viết tiếp theo

Document Fee Là Gì? Tất Tần Tật Về Phí Chứng Từ Xuất Nhập Khẩu

Document Fee Là Gì? Tất Tần Tật Về Phí Chứng Từ Xuất Nhập Khẩu
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo