CY Là Gì? Phân Biệt CY Và CFS Trong Xuất Nhập Khẩu
CY là gì? Đây là một thuật ngữ quan trọng trong ngành logistics và xuất nhập khẩu mà các bên liên quan đều cần phải hiểu rõ. CY là viết tắt của Container Yard và rất dễ bắt gặp trên B/L, Booking confirm… Gia đình xuất nhập khẩu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về CY là gì? CY và CFS khác nhau như thế nào trong xuất nhập khẩu qua bài viết sau đây.
1. CY là gì?
CY là viết tắt của từ Container Yard hay bãi container, CY là khu vực trong cảng biển hoặc kho bãi nơi container FCL được tập kết trước và sau khi xếp dỡ lên tàu. Đây là nơi mà các container chứa hàng hóa được dỡ từ tàu chở hàng xuống hoặc để các Container FCL trước khi được xếp lên tàu.
CY là nơi lưu trữ tạm thời các container hàng hóa để chờ các giai đoạn tiếp theo trong quá trình vận chuyển, chẳng hạn như từ kho hàng đến cảng xuất hoặc từ cảng đến kho hàng nhập.
Khi hàng hóa của bạn được tập kết tại CY, cần phải đặc biệt quan tâm tới hai thời điểm CY Cut Off và CY Closing Time.
CY Cut Off: Đây là thời hạn cuối cùng mà container FCL của bạn phải được tập kết tại CY của cảng trước khi tàu khởi hành. Thời điểm CY Cut Off thường được hãng tàu quy định và tuân thủ nghiêm ngặt, đúng giờ. Nếu không đưa container vào bãi trước thời điểm này, hàng của bạn thể bị bỏ lại và phải chờ chuyến sau.
CY Closing Time: là thời điểm đóng cửa bãi container, nghĩa là sau thời điểm này, cảng sẽ không tiếp nhận thêm container cho chuyến tàu sắp khởi hành. CY Closing Time thường trùng hoặc gần với CY Cut Off, nhằm hoàn tất các khâu kiểm tra, xếp dỡ và chuẩn bị cho container trước khi tàu khởi hành.
2. CY trong xuất nhập khẩu có ý nghĩa gì?
Đối với bên xuất khẩu: Container được chuyển đến CY để kiểm tra và sắp xếp trước khi xếp lên tàu. Điều này đảm bảo việc vận chuyển diễn ra đúng lịch trình.
Với bên nhập khẩu: Sau khi tàu đến cảng đích, container được dỡ xuống CY và chờ xử lý, kiểm tra hải quan, sau đó được chuyển đến địa điểm cuối cùng.
Với hình thức vận chuyển FCL hay “nguyên container”, trên các chứng từ vận tải, như Bill of Lading (B/L), CY thường xuất hiện để chỉ rõ phương thức vận chuyển, ví dụ như "CY to CY" chính là giao hàng từ bãi container tại cảng xuất đến bãi container tại cảng đích. Điều này giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về điểm đầu và điểm cuối của quy trình vận chuyển container, giảm thiểu khâu trung gian, hạn chế hư hỏng hàng hóa.
Đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng: CY đóng vai trò kết nối các mắt xích trong chuỗi cung ứng bằng cách tập trung container tại các bãi chứa gần cảng. Điều này giúp các hoạt động xếp dỡ diễn ra trơn tru và nhanh chóng, giảm thiểu thời gian chờ đợi và tối ưu hóa quy trình vận chuyển.
Hỗ trợ hoạt động lập kế hoạch và điều phối logistics: CY giúp các hãng vận tải và doanh nghiệp logistics lên kế hoạch chính xác cho các hoạt động xếp dỡ, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu chi phí cho các bên tham gia trong chuỗi cung ứng.
>> Xem nhiều: Lộ Trình Học Xuất Nhập Khẩu, Cam Kết 100% Hiệu Quả
3. Phân biệt CY và CFS
Trong xuất nhập khẩu, CY thường được so sánh với CFS đây là hai khái niệm có vai trò khác biệt nhưng đều góp phần quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Nếu như CY là khu vực trong cảng biển hoặc kho bãi nơi container FCL được tập kết trước và sau khi xếp dỡ lên tàu.
Thì CFS hay Container Freight Station là khu vực kho bãi dùng để tập kết, chia lẻ, và đóng gói hàng hóa từ nhiều chủ hàng vào một container. Đây là nơi chuyên thực hiện các hoạt động gom hàng lẻ từ nhiều đơn vị vận chuyển khác nhau, tạo điều kiện cho các lô hàng nhỏ lẻ được vận chuyển chung trong một container, tối ưu hóa chi phí và hiệu quả trong logistics.
>> Xem thêm: Kho CFS Là Gì ? Các Hoạt Động Thực Hiện Tại Kho CFS
Tìm hiểu sự khác biệt của CY và CFS qua bảng sau:
CY và CFS đều là các điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng, phục vụ các nhu cầu vận chuyển khác nhau: CY cho hàng nguyên container và CFS cho hàng lẻ.
4. Phương thức giao hàng CY/CY là gì
4.1 CY/CY là gì?
Hình thức giao hàng CY/CY (Container Yard to Container Yard) hay còn gọi là FCL/FCL, là dịch vụ vận chuyển hàng hóa nguyên container từ điểm gửi đến điểm nhận. Theo hình thức này, sau khi hoàn tất việc đóng hàng, người gửi hoặc chủ hàng sẽ hạ container tại khu vực bãi container (CY) được hãng tàu chỉ định trong xác nhận đặt chỗ (Booking Confirmation).
Hãng tàu chịu trách nhiệm về an toàn của container từ bãi container tại cảng xuất hàng (POL) đến khi container được hạ xuống bãi container tại cảng đích (POD). Tại điểm đến, người nhận hàng sẽ tiến hành các thủ tục thông quan nhập khẩu để lấy container và vận chuyển về kho của mình.
Ví dụ để các bạn hiểu rõ hơn: Khi xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang Nhật Bản, bạn đóng hàng vào một container đầy đủ và giao container tại bãi CY ở Việt Nam (chẳng hạn như Đà Nẵng hoặc Cái Mép). Container sau đó sẽ được vận chuyển bằng tàu biển đến Nhật Bản và tiếp nhận tại bãi CY ở cảng Osaka hoặc Yokohama.
Quy trình giao hàng từ bãi container tại cảng xuất phát đến bãi container tại cảng nhập được hoàn tất khi container hàng hóa đến tay người nhận. Về trách nhiệm, hãng tàu sẽ chịu trách nhiệm từ khi container được giao tại cảng xuất cho đến khi hoàn thành việc dỡ hàng tại cảng đến.
4.2 Ưu nhược điểm của phương thức CY-CY so với các phương thức khác
Ưu điểm của phương thức CY-CY
Đơn giản và ít phức tạp: Với hàng nguyên container (FCL ), không cần chia nhỏ hoặc gom hàng, nên giảm thiểu các khâu trung gian và thời gian xử lý.
Giảm thiểu rủi ro hư hỏng: Hàng hóa được đóng trong một container duy nhất, giúp tránh được rủi ro về hư hỏng và mất mát do không phải chia sẻ container với hàng hóa của các chủ hàng khác.
Chi phí tối ưu: Chi phí vận chuyển của FCL thường thấp hơn trên mỗi đơn vị hàng hóa, đặc biệt khi container được sử dụng đầy đủ.
Nhược điểm của phương thức CY-CY
Không phù hợp cho hàng hóa nhỏ lẻ: Với các lô hàng nhỏ, phương thức CY-CY có thể gây lãng phí diện tích container, làm tăng chi phí vận chuyển so với vận chuyển hàng lẻ (LCL).
Thiếu linh hoạt: Phương thức này yêu cầu nguyên container và không phù hợp nếu lượng hàng hóa không đủ để lấp đầy container.
>> Học xuất nhập khẩu online ở đâu tốt
4.3 Khi nào nên chọn phương thức giao hàng CY-CY?
Phương thức CY-CY được lựa chọn trong các trường hợp sau:
+ Doanh nghiệp có khối lượng hàng lớn cần vận chuyển, đủ để tối ưu chi phí cho một container nguyên (FCL).
Hàng hóa yêu cầu tính bảo mật cao hoặc dễ hư hỏng và không nên được vận chuyển chung với hàng của các chủ hàng khác.
+ Đảm bảo thời gian vận chuyển: Vì không có các khâu trung gian (như gom hoặc chia hàng lẻ), CY-CY giúp tối ưu thời gian vận chuyển và lịch trình.
Các phương thức giao hàng liên quan đến CY
Ngoài CY/CY, một số phương thức liên quan bao gồm:
+ CFS/CFS: hay LCL/LCL đây là phương thức giao hàng dành cho hàng lẻ (LCL), nơi hàng hóa được gom hoặc chia tại các Container Freight Station (CFS) ở cảng xuất và nhập, hàng hóa có thể được dỡ ra khỏi container ban đầu và đóng lại vào container khác tại cảng trung chuyển trước khi tiếp tục hành trình.
+ CY/CFS: Container được giao nguyên từ bãi container tại cảng xuất và được chia lẻ tại CFS ở cảng đến.
+ CFS/CY: Hàng hóa được gom lẻ tại CFS ở cảng xuất và được vận chuyển đến CY tại cảng nhập.
+ CY/Door là phương thức giao hàng kết hợp, trong đó hàng hóa được giao từ bãi container (CY - Container Yard) tại cảng xuất đến địa chỉ cụ thể của người nhận tại cảng nhập (Door). Điều này có nghĩa là bên gửi hàng sẽ giao container đến bãi container tại cảng xuất, và sau khi tàu đến cảng nhập, bên vận chuyển sẽ chịu trách nhiệm chuyển container đến địa chỉ của người nhận.
Tùy vào nhu cầu vận chuyển và khối lượng hàng hóa, bạn có thể chọn phương thức CY-CY để tối ưu hóa chi phí và bảo vệ hàng hóa một cách hiệu quả nhất.
Hiểu rõ khái niệm CY (Container Yard) là gì và phân biệt CY với CFS trong xuất nhập khẩu là rất cần thiết để tối ưu hóa quy trình logistics. Việc lựa chọn đúng phương thức giao nhận giữa CY và CFS không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian mà còn đảm bảo hàng hóa được vận chuyển an toàn và hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Hy vọng Gia đình xuất nhập khẩu đã giúp bạn có cái nhìn toàn diện nhất về CY và ứng dụng hiệu quà vào trong công việc của mình.