Luồng Đỏ Hải Quan Là Gì? Quy Trình Kiểm Hóa Luồng Đỏ

Gia Đình Xuất Nhập Khẩu Tác giả Gia Đình Xuất Nhập Khẩu 27/08/2024 13 phút đọc

Luồng đỏ hải quan là gì? Quy trình kiểm hóa luồng đỏ diễn ra như thế nào? Việc hàng hóa bị đưa vào luồng đỏ không chỉ kéo dài thời gian thông quan mà còn phát sinh nhiều chi phí kiểm hóa. Gia đình xuất nhập khẩu sẽ phân tích chi tiết những kiến thức trên để bạn nắm được và thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi.

Việc hiểu rõ quy trình kiểm hóa luồng đỏ và các yếu tố dẫn đến việc bị phân vào luồng này là điều cần thiết để các doanh nghiệp có thể chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh những rủi ro không đáng có trong quá trình xuất nhập khẩu.

1. Luồng đỏ hải quan là gì?

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường phải đối mặt với ba luồng phân loại chính khi truyền tờ khai thông quan hàng hóa gồm: luồng xanh, luồng vàng và luồng đỏ.

Mỗi luồng hải quan sẽ có mức độ kiểm tra khác nhau. Trong đó, luồng đỏ là luồng kiểm tra nghiêm ngặt nhất, yêu cầu kiểm tra cả chứng từ và thực tế hàng hóa.

>> Xem thêm: Phân Luồng Hải Quan Là Gì? Ý nghĩa luồng đỏ, luồng vàng, luồng xanh

luong-do-hai-quan-la-gi
 

Những nguyên nhân dẫn đến hàng hóa bị đưa vào tờ khai luồng đỏ gồm:

+ Doanh nghiệp có lịch sử vi phạm trước đó: từng vi phạm các quy định hải quan, chẳng hạn như khai báo sai thông tin, trốn thuế, thường xuyên sửa hoặc hủy tờ khai hoặc không tuân thủ các yêu cầu về xuất nhập khẩu, thường bị xếp vào diện rủi ro cao.
+ Doanh nghiệp mới thành lập: Những doanh nghiệp mới chưa có lịch sử hoạt động xuất nhập khẩu hoặc chưa được xác minh uy tín dễ rơi vào luồng đỏ.
+ Hàng hóa đặc biệt, nhạy cảm: thuộc diện quản lý chặt chẽ như thuốc men, thực phẩm, vũ khí, vật liệu nguy hiểm, hóa chất, động thực vật quý hiếm đều cần được kiểm tra chi tiết để đảm bảo chúng tuân thủ các quy định về an toàn, sức khỏe và môi trường.
+ Sai sót trong khai báo: Các tờ khai có thông tin không rõ ràng, mập mờ, không khớp với các hồ sơ chứng từ; không cung cấp đầy đủ, rõ ràng, cụ thể tên mặt hàng; hoặc có dấu hiệu gian lận thường dễ bị phân vào luồng đỏ để kiểm tra kỹ lưỡng.
+ Hàng hóa bị nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa: có dấu hiệu thay đổi hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ để lợi dụng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
+ Hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia thường xuyên vi phạm thương mại hoặc các quốc gia đang trong diện bị theo dõi về chất lượng sản phẩm, an ninh hoặc an toàn có nguy cơ cao bị phân luồng đỏ.
+ Hàng hóa thuộc diện quản lý đặc biệt: Các mặt hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt của nhà nước, như các sản phẩm liên quan đến an ninh quốc gia, tài nguyên quý hiếm, hoặc các sản phẩm chịu ảnh hưởng từ các hiệp định quốc tế.

Các trường hợp trên hàng hóa sẽ dễ bị rơi vào luồng đỏ khi thông quan hàng hóa.

>> Xem thêm: Những Lỗi Thường Gặp Khi Khai Báo Hải Quan Điện Tử

2. Quy trình kiểm hóa luồng đỏ

Khi hàng hóa bị phân vào luồng đỏ, quy trình thông quan sẽ trở nên phức tạp và kéo dài hơn do yêu cầu kiểm tra kỹ lưỡng cả hồ sơ và hàng hóa thực tế. Quy trình kiểm hóa sẽ diễn ra theo trình tự các bước sau:

Khi doanh nghiệp nhận thông báo hàng hóa rơi vào luồng đỏ từ, doanh nghiệp cần chuẩn bị hàng hóa và hồ sơ chứng từ để thực hiện quy trình kiểm tra chi tiết.

Kiểm tra hồ sơ: Cơ quan hải quan sẽ tiến hàng kiểm tra và đối chiếu tất cả các chứng từ khai báo hải quan như hóa đơn thương mại, vận đơn, packing list, mã HS, giấy chứng nhận xuất xứ C/O và các tài liệu liên quan khác.
Hải quan sẽ kiểm tra kỹ các thông tin trên hồ sơ chứng từ của để đối chiếu xem có khớp với thực tế hàng hóa không.

Kiểm tra hàng hóa thực tế: Hàng hóa bị đưa vào luồng đỏ sẽ được kiểm đếm thực tế, hải quan mở container hoặc kiện hàng để kiểm tra về số lượng, chất lượng, nhãn mác bao bì, chủng loại và tình trạng thực tế. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu lấy mẫu để kiểm nghiệm hoặc đối chiếu với hồ sơ chứng từ mà doanh nghiệp khai báo.

quy-trinh-kiem-hoa-luong-do
 

Dựa vào mức độ nghi ngờ dấu hiệu vi phạm sẽ có 3 mức độ kiểm tra thực tế theo Thông tư 112/2005/TT-BTC của Bộ tài chính như sau:

Kiểm tra toàn bộ hàng hóa: Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng phát hiện có nhiều lần vi phạm pháp luật về hải quan thì tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng, bao gồm cả việc mở tất cả các kiện hàng, container để đối chiếu với bộ chứng từ đã khai báo.

Kiểm tra không quá 10% lô hàng: Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra thực tế nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan; thì sẽ tiến hành kiểm tra thực tế 10% lô hàng, nếu không phát hiện vi phạm thì kết thúc kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm thì tiếp tục kiểm tra cho tới khi kết luận được mức độ vi phạm.

Kiểm tra thực tế không quá 5% lô hàng: Với hàng hóa cần kiểm tra xác suất (tối đa không quá 5% tổng số Tờ khai hải quan) để đánh giá việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng.

Ra quyết định thông quan: Sau khi kiểm tra hải quan sẽ đối chiếu hồ sơ chứng từ đúng với thực tế hàng hóa, và hàng hóa đó tuân thủ đúng quy định, đúng với hồ sơ đã kê khai, hàng hóa sẽ được thông quan. Ngược lại, nếu phát hiện sai phạm, hàng hóa có thể bị tạm giữ hoặc xử lý theo pháp luật.

>> Xem nhiều: Khóa học Khai báo Hải quan

3. Chi phí phát sinh và lưu ý doanh nghiệp rơi vào luồng đỏ hải quan.

Khi hàng hóa bị phân luồng đỏ, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều chi phí phát sinh do thời gian thông quan kéo dài hơn so với luồng xanh, luồng vàng.

Các chi phí phát sinh bao gồm:

+ Phí lưu kho và lưu container tại cảng.
+ Phí mở container và kiểm tra hàng hóa.
+ Chi phí nhân công hỗ trợ trong quá trình kiểm hóa.
+ Phí kiểm định hoặc xét nghiệm (nếu có).

Những lưu ý với doanh nghiệp khi hàng hóa rơi vào luồng đỏ hải quan

Để chuẩn bị cho việc kiểm hóa của hải quan thuận lợi và nhanh chóng hơn chủ hàng nên lưu ý một số điểm sau:

Chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ và hàng hóa: Để tránh sai sót doanh nghiệp nên chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả các tài liệu, chứng từ, số lượng, khối lượng, chủng loại, mã HS,... đảm bảo hàng hóa khớp với thông tin khai báo. Chuẩn bị tem nhãn mác đầy đủ, đúng quy định đây là điểm rất cần lưu ý, hải quan sẽ chú ý đến đầu tiên.

Hợp tác với hải quan: Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan trong suốt quá trình kiểm tra, cung cấp đầy đủ thông tin và hỗ trợ khi cần thiết để quy trình kiểm hóa diễn ra nhanh chóng suôn sẻ.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ đóng gói lại hàng hóa, niêm phong hàng hóa sau khi kiểm hóa để hoàn tất thủ tục thông quan, tiến hành xuất - nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng.

Trên đây Gia đình xuất nhập khẩu đã thông tin chi tiết tới bạn về Luồng đỏ hải quan là gì? Quy trình kiểm hóa luồng đỏ, những lưu ý cần thiết với doanh nghiệp. Hy vọng bài viết sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho bạn, giúp doanh nghiệp bạn xử lý nhanh chóng nếu bị phân luồng đỏ.

Gia Đình Xuất Nhập Khẩu
Tác giả Gia Đình Xuất Nhập Khẩu giadinhxuatnhapkhau
Bài viết trước Cut Off Time/ Closing Time Là Gì Trong Logistics?

Cut Off Time/ Closing Time Là Gì Trong Logistics?

Bài viết tiếp theo

Hướng Dẫn Tự Học Logistics Hiệu Quả Cho Người Mới Bắt Đầu

Hướng Dẫn Tự Học Logistics Hiệu Quả Cho Người Mới Bắt Đầu
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo