L/C Chuyển Nhượng (Transferable L/C) Là Gì? Tại Sao Nên Sử Dụng?

Gia Đình Xuất Nhập Khẩu Tác giả Gia Đình Xuất Nhập Khẩu 21/11/2024 17 phút đọc

L/C chuyển nhượng (Transferable L/C) là gì? Đây là một trong những loại thư tín dụng chứng từ khá phổ biến trong thanh toán quốc tế, sử dụng thường xuyên trong xuất nhập khẩu. L/C chuyển nhượng dùng trong trường hợp nào, quy trình thực hiện, đặc điểm các bên tham gia ra sao, hãy cùng Gia đình xuất nhập khẩu tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

1. L/C chuyển nhượng (Transferable L/C) là gì?

L/C chuyển nhượng (Transferable L/C) là loại L/C cho phép người thụ hưởng yêu cầu ngân hàng chuyển nhượng thực hiện chuyển nhượng toàn bộ hay một phần số tiền của L/C cho một hoặc nhiều người khác.

Transferable L/C là loại thư tín dụng không thể huỷ ngang, trong đó quy định quyền của ngân hàng trả tiền được trả hoàn toàn hay trả một phần của thư  tín dụng cho một hay nhiều người theo lệnh của người hưởng lợi đầu tiên.

LC-chuyen-nhuong-Transferable-LC-la-gi
 

L/C chuyển nhượng thường được sử dụng khi nào?

- L/C chuyển nhượng toàn bộ thường dùng trong trường hợp với 2 bên mua và bán là công ty mẹ con, các công ty con, chi nhánh con giao hàng nhưng người hưởng lợi là công ty mẹ. Hoặc dùng khi bên môi giới đóng vai trò trung gian, không trực tiếp cung cấp hàng hóa mà chỉ nhận hoa hồng, sẽ chuyển toàn bộ giá trị của L/C cho nhà cung cấp thực tế (người thụ hưởng thứ hai).

- L/C chuyển nhượng một phần tức là khi nhận được LC gốc, người thụ hưởng thứ nhất sẽ chuyển nhượng cho người thụ hưởng thứ 2 một phần trị giá của LC. Hình thức L/C chuyển nhượng một phần xảy ra khi:

Người trung gian được hưởng chênh lệch giá giữa bên mua và bên bán, tức là giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị LC mà bên trung gian được hưởng.

Hoặc khi khối lượng của một lô hàng rất lớn mà một nhà cung cấp không thể đáp ứng được, cần có nhiều nhà cùng cung ứng cho một lô hàng nên phải chia nhỏ trị giá của LC thành nhiều phần để thực hiện.

>> Xem nhiều: Lộ Trình Học Thanh Toán Quốc Tế : Hướng Dẫn Chi Tiết A - Z

2. Đặc điểm của LC chuyển nhượng

- L/C chuyển nhượng không thể hủy ngang và chỉ có thể chuyển nhượng một lần

Theo quy định quốc tế UCP 600 về L/C chuyển nhượng (Transferable L/C), một L/C chuyển nhượng chỉ được phép chuyển nhượng một lần. Nghĩa là người thụ hưởng ban đầu (người nhận L/C gốc) có thể chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần giá trị L/C cho một hoặc nhiều người thụ hưởng thứ hai. Chi phí chuyển nhượng thường sẽ do hưởng lợi đầu tiên chi trả.

Tuy nhiên, người thụ hưởng thứ hai không được phép chuyển nhượng tiếp L/C mà họ nhận được, tránh việc L/C bị chuyển nhượng nhiều lần gây phức tạp và rủi ro cho các bên liên quan.

Ví dụ: Người thụ hưởng ban đầu nhận L/C 100.000 USD và tiến hành chuyển nhượng 70.000 USD cho bên cung cấp A (người thụ hưởng thứ hai). Khi đó bên A không thể chuyển nhượng tiếp phần giá trị 70.000 USD này cho bất kỳ bên nào khác. Trừ trường hợp do bên A không đáp ứng đủ số lượng hàng hóa như đã cam kết và các bên thỏa thuận là bên A sẽ chuyển nhượng lại 70.000 USD cho người thụ hưởng ban đầu để thực hiện mua hàng hóa của nhà cung cấp khác.

- Transferable L/C chỉ được thay đổi một số điểm so với L/C gốc

Các điều khoản và điều kiện của L/C chuyển nhượng phải giống L/C gốc, trừ một số điểm sau có thể thay đổi:

+ Số tiền chuyển nhượng phải thấp hơn giá trị L/C gốc.

+ Đơn giá phải thấp hơn đơn giá trong L/C ban đầu.

+ Thời gian giao hàng có thể rút ngắn, sớm hơn so với L/C chuyển nhượng gốc

+ Trị giá bảo hiểm thấp hơn so với ban đầu

+ Thời gian xuất trình chứng từ sớm hơn.

+ Tên người thụ hưởng ban đầu (người trung gian) có thể được thay thế bằng tên của người thụ hưởng thứ hai trên các chứng từ như hóa đơn thương mại.

+ Thời hạn hiệu lực của L/C (phải ngắn hơn ban đầu)

- Việc chuyển nhượng chỉ được thực hiện bởi ngân hàng được chỉ định trong Transferable L/C gốc ban đầu . Ngân hàng này sẽ kiểm tra và xử lý chuyển nhượng theo yêu cầu của người thụ hưởng ban đầu.

- Người trung gian không nhất thiết phải che giấu thông tin về nhà sản xuất và người nhập khẩu cuối cùng: Trong giao dịch sử dụng L/C chuyển nhượng, thông tin giữa các bên thường được công khai để đảm bảo sự hợp tác lâu dài.

>> Xem thêm: Phương thức LC (letter of credit) - thanh toán theo thư tín dụng

Các Phương Thức Thanh Toán Quốc Tế Qua Ngân Hàng

3. Quy trình thanh toán LC chuyển nhượng

Quy trình thanh toán L/C chuyển nhượng thường theo tiến trình 13 bước như sau:

quy-trinh-thanh-toan-LC-chuyen-nhuong-Transferable-LC
 

1. Người nhập khẩu yêu cầu ngân hàng mở tiến hành mở một L/C có điều khoản cho phép chuyển nhượng - Transferable L/C.

2. Ngân hàng phát hành mở L/C chuyển nhượng cho người thụ hưởng đầu tiên (người trung gian) và gửi cho ngân hàng thông báo.

3. Ngân hàng thông báo 1 chuyển L/C gốc đến người thụ hưởng đầu tiên: L/C gốc được ngân hàng thông báo chuyển cho người trung gian để họ kiểm tra và tiếp tục quy trình.

4. Người thụ hưởng đầu tiên yêu cầu ngân hàng thông báo 1 thực hiện chuyển nhượng L/C cho người thụ hưởng thứ 2.

5. Ngân hàng chuyển nhượng thực hiện nghiệp vụ chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần giá trị L/C cho người thụ hưởng thứ hai (nhà sản xuất), đồng thời gửi L/C đã chuyển nhượng đến ngân hàng thông báo 2.

6. Ngân hàng thông báo 2 gửi L/C đã chuyển nhượng đến người thụ hưởng thứ hai, và người thụ hưởng 2 tiến hành thực hiện giao dịch theo các điều khoản trong L/C.

7. Người thụ hưởng thứ hai giao hàng là nhà cung cấp, nhà sản xuất tiến hành giao hàng cho người nhập khẩu theo đúng thỏa thuận trong L/C.

8. Sau khi giao hàng, nhà sản xuất là người thụ hưởng thứ hai gửi bộ chứng từ liên quan (hóa đơn, vận đơn, chứng nhận bảo hiểm...) đến ngân hàng thông báo 2.

9. Ngân hàng thông báo 2 gửi toàn bộ chứng từ đến ngân hàng chuyển nhượng.

10. Ngân hàng chuyển nhượng chuyển bộ chứng từ gốc đến người thụ hưởng đầu tiên để chỉnh sửa. Người thụ hưởng đầu tiên thay hóa đơn và chứng thư bảo hiểm của mình vào bộ chứng từ trước khi gửi lại ngân hàng.

11. Sau khi chỉnh sửa, người thụ hưởng đầu tiên gửi lại bộ chứng từ hoàn chỉnh cho ngân hàng chuyển nhượng (ngân hàng thông báo 1).

12. Ngân hàng thông báo 1 xuất trình bộ chứng từ cuối cùng cho ngân hàng phát hành L/C để yêu cầu thanh toán.

13. Ngân hàng phát hành tiến hành kiểm tra chứng từ, nếu hợp lệ, ngân hàng phát hành thanh toán số tiền L/C cho ngân hàng chuyển nhượng. Ngân hàng chuyển nhượng chuyển phần chênh lệch (lợi nhuận của người trung gian) cho người thụ hưởng đầu tiên và số tiền còn lại cho người thụ hưởng thứ hai qua ngân hàng thông báo 2.

Quy trình L/C chuyển nhượng diễn ra theo trình tự chặt chẽ nhằm đảm bảo rằng mọi bên tham gia giao dịch được thanh toán đúng giá trị đã thỏa thuận ban đầu. Người trung gian sẽ được hưởng lại và được bảo toàn qua phần chênh lệch giá trị L/C.

>> Xem thêm: Phân biệt về L/C chuyển nhượng và L/C giáp lưng

4. Ưu nhược điểm của L/C chuyển nhượng (Transferable L/C)

Mỗi loại phương thức thanh toán L/C sẽ có những ưu nhược điểm, phù hợp với từng đối tượng, trường hợp khác nhau, trong đó.

Ưu điểm của L/C chuyển nhượng gồm:

- Tạo điều kiện cho nhà môi giới tham gia giao dịch quốc tế: các nhà trung gian, môi giới không cần sở hữu hàng hóa, mà vẫn có thể thực hiện giao dịch thương mại quốc tế và hưởng lợi chênh lệch giá giữa các bên.

- L/C chuyển nhượng đảm bảo thanh toán an toàn: giúp cho nhà sản xuất, nhà cung cấp là người thụ hưởng thứ 2 được đảm bảo, cam kết bởi ngân hàng sẽ thanh toán tiền nếu các chứng từ phù hợp, giảm thiểu rủi ro cho phía nhà cung cấp.

- Hỗ trợ các giao dịch có nhiều nhà cung cấp khác nhau:

Nếu lô hàng có giá trị lớn, cần nhiều nhà cung cấp để đáp ứng được, khi đó giá trị L/C có thể được chia nhỏ để chuyển nhượng cho từng người thụ hưởng.

Nhược điểm của L/C chuyển nhượng (Transferable L/C)  

Chi phí cao: Khi thực hiện chuyển nhượng L/C sẽ phát sinh chi phí chuyển nhượng, làm tăng chi phí giao dịch, càng chia nhỏ L/C chi phí phát sinh càng cao.

Chỉ được chuyển nhượng một lần, không cho phép người thụ hưởng thứ hai tiếp tục chuyển nhượng.

Rủi ro sai sót chứng từ: việc thanh toán dựa trên xuất trình chứng từ đầy đủ, hợp lệ, qua nhiều bên, gây khó khăn trong thanh toán nếu không đáp ứng đúng điều kiện L/C.

Trên đây Gia đình xuất nhập khẩu đã thông tin chi tiết tới bạn về đặc điểm, quy trình thanh toán của L/C Chuyển Nhượng (Transferable L/C) giúp bạn có cái nhìn đầy đủ, chính xác hơn để áp dụng vào trong hoạt động kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu của mình.

Nếu muốn nâng cao nghiệp vụ về thanh toán quốc tế, tham khảo các khóa học thanh toán quốc tế chuyên sâu để có thể biết rõ về các loại hình L/C, các phương thức thanh toán quốc tế khác, hãy để lại bình luận bên dưới, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thông tin tới bạn.
 

Gia Đình Xuất Nhập Khẩu
Tác giả Gia Đình Xuất Nhập Khẩu giadinhxuatnhapkhau
Bài viết trước Nhân Viên Kinh Doanh Logistics - Review Tất Tần Tật Về Nghề

Nhân Viên Kinh Doanh Logistics - Review Tất Tần Tật Về Nghề

Bài viết tiếp theo

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Xin Việc Ngành Xuất Nhập Khẩu?

Cần Chuẩn Bị Gì Khi Xin Việc Ngành Xuất Nhập Khẩu?
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo